Dạo này tự nhiên tôi nhớ về thời học cấp Hai.
Ngày bé tôi được dạy là gọi “mày-tao” với bạn bè là không ngoan.
Thế là tôi không nói “mày-tao” bao giờ. Các bạn học của tôi lên tới chừng cấp Ba là chuyển qua gọi nhau “mày-tao” hết. Ngay cả mấy đứa cấp Một, cấp Hai hồi đó toàn xưng “cậu-tớ”, khi đi họp lớp gặp lại nhau tự nhiên cũng “mày-tao” cả. Hay là các bạn rủ nhau đổi cách gọi từ hồi nào mà không thèm rủ mình?
Nhưng lúc cấp Hai tôi lại gọi “mày-tao” với Đại Đường*, cô bạn ngồi bên cạnh mà tôi yêu đơn phương hết lớn. Đường nói với tôi là người ta gọi “mày-tao” với nhau khi họ trở nên thân thiết. Ô kê, bạn nói vậy thì mình biết vậy. Thế thì Đại Đường à, …mày làm bài về nhà chưa đấy?
Từ đấy tôi nói “mày-tao” với Đường một cách đầy cố gắng. Mỗi lần viết thiệp hay tin nhắn (bằng giấy), đầu tiên tôi sẽ viết hết ra nháp trước, rồi sau đó gạch bỏ “cậu-tớ” và thay bằng “mày-tao” dù điều đó làm cho câu cú trở nên kệch cỡm hết biết. Tôi khờ mà, đâu biết được khi bạn bè thân nhau thì sẽ gọi “mày-tao”, và khi họ thích nhau thì lại chuyển từ “mày-tao” sang “cậu-tớ”. Tôi cứ gọi “mày-tao” với người ta một cách đầy khí thế, và trong lòng thì trách sao người ta mãi không thèm thích lại.
Cũng vì Đại Đường mà tôi chẳng nói “mày-tao” với ai khác. Giờ tôi đã già khú đế và khi gặp lại bạn vè cũ thì được đối xử đặc biệt. Các bạn sẽ gọi “cậu” xưng “tớ” với tôi một cách dễ thương, rồi quay qua nhau nói chuyện “mày-tao” tỉnh bơ và đầy duyên dáng. Nhưng mà thôi kệ đi, đâu có ai đến nói với tôi là lớn tới chừng nào thì gọi nhau “mày-tao” là ô kê đâu?!
* tên nhân vật đã được thay đổi.
Comments
Post a Comment